25 tháng 4, 2017

CƠN NGƯNG THỞ Ở TRẺ SINH NON

CƠN NGƯNG THỞ Ở TRẺ SINH NON

💟CÁC BẠN CÓ THỂ THAM GIA GROUP FACEBOOK CHĂM SÓC TRẺ SINH NON 53.000 THÀNH VIÊN ĐỂ CÙNG CHIA SẺ, HỌC HỎI KINH NGHIỆM NHÉ 💟

👉https://www.facebook.com/groups/1334294659943188

Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non thiếu tháng luôn là nguy cơ hàng đầu liên quan đến tính mạng của trẻ, đồng thời cũng là nỗi lo lớn của các gia đình khi chăm con sinh non. Để giúp các gia đình hiểu thêm về vấn đề sức khỏe này của trẻ sinh non, mình đã biên tập bài viết chi tiết dưới đây nhằm đưa đến các thông tin hữu ích nhất, giúp bố mẹ có thêm kiến thức để tự tin hơn khi chăm sóc con sinh non.
Hội chứng ngưng thở ở trẻ sinh non thiếu tháng, tên tiếng Anh - Apnea of prematurity, viết tắt (AOP) là tình trạng trẻ sinh non xuất hiện cơn ngưng thở kéo dài từ 15 đến 20 giây trong khi ngủ.
Sau khi được sinh ra, trẻ sơ sinh phải thở liên tục để đáp ứng đủ oxy cho cơ thể. Ở trẻ sinh non, hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống) với chức năng kiểm soát hô hấp vẫn chưa hoàn thiện. Đó là nguyên nhân gây ra những đợt thở dốc, nhanh, mạnh và theo sau đó là giai đoạn thở nông hoặc ngừng thở. Chứng ngưng thở ở trẻ sinh non thường sẽ giảm dần theo thời gian với hầu hết các trường hợp thì hội chứng này sẽ hết ở khoảng 44 tuần tuổi. Một khi trẻ đã đạt ở mốc tuổi này và chứng ngưng thở đã hết thì sẽ không bao giờ tái phát nữa.

CHỨNG NGƯNG THỞ Ở TRẺ SINH NON

Ở hầu hết các trường hợp, trẻ sơ sinh dưới 35 tuần tuổi thường có những giai đoạn xuất hiện cơn ngừng thở hoặc giảm nhịp tim (Gọi là nhịp tim chậm, hay bradycardia) Những bất thường này có thể xuất hiện ngay sau sinh ra và kéo dài từ 2 đến 3 tháng với tần suất 1 đến 2 đợt/ngày hoặc có thể nhiều hơn. Trẻ càng nhẹ cân và thiếu tháng thì càng nhiều nguy cơ bị chứng ngưng thở, tím tái này.
Mặc dù mọi trẻ sơ sinh đều có những lúc ngưng thở ngắn và nhịp tim giảm, nhưng với trẻ sinh non khi có cơn ngưng thở thì nhịp tim giảm xuống dưới 80 nhịp mỗi phút, trẻ trở nên xanh hoặc thậm chí là tím tái và rơi vào tình trạng lơ mơ kèm hơi thở nặng. Tại thời điểm đó có 2 khả năng, hoặc trẻ có thể tự thở lại, hoặc cần được giúp đỡ từ bên ngoài.
Lưu ý là các bố mẹ không nên nhầm lẫn cơn ngưng thở với hiện tượng thở ngắt quãng, đây cũng là hiện tượng thường thấy ở trẻ sinh non. Thở ngắt quãng là việc ngưng thở chỉ vài giây và sau đó là một vài hơi thở nông và nhanh của trẻ. Thở ngắt quãng không kèm theo biến đổi sắc mặt, như tím xanh quanh miệng hoặc giảm nhịp tim và không gây ra nguy hiểm gì cho trẻ.
CƠN NGƯNG THỞ Ở TRẺ SINH NON

ĐIỀU TRỊ CHỨNG NGƯNG THỞ Ở TRẺ SINH NON THIẾU THÁNG

Hầu hết trẻ sơ sinh non tháng (đặc biệt là trẻ dưới 34 tuần tuổi) sẽ được chăm sóc y tế và theo dõi cơn ngưng thở tại phòng điều trị tích cực của bệnh viện (NICU). Ngay khi vừa sinh ra, rất nhiều trẻ sơ sinh non tháng cần phải được trợ thở vì phổi còn quá non yếu và không thể tự hô hấp. Và dưới đây là những phương pháp hỗ trợ thở cho trẻ sinh non:

1. Đặt nội khí quản (Ventilator)

Trẻ sẽ được đặt một ống thông vào khí quản và thiết bị sẽ thổi hơi thở vào phổi của trẻ qua ống này để giúp trẻ hô hấp. Các nhịp thổi này sẽ được đặt ở một áp suất nhất định. Thiết bị cũng được cài đặt để có được số lần thở nhất định trong một phút, trong khi đó nồng độ oxy trong máu và nhịp tim của trẻ vẫn được theo dõi sát sao. Trẻ sinh non có thể được tiêm mũi trợ phổi giúp cho phổi hoàn thiện hơn và trẻ có thể bỏ thở máy trong vòng vài tuần, khi đó bé có thể tự thở bằng hệ hô hấp của mình.

2. Thở áp lực dương liên tục (CPAP)

Khi trẻ không phải đặt nội khí quản nữa thì thường sẽ chuyển sang thở CPAP – Thở áp lực dương liên tục qua mũi. Đây là một dạng máy hỗ trợ thở không xâm lấn, giúp trẻ tự thở bằng cách duy trì một áp lực dương liên tục trong suốt chu kỳ thở của trẻ. Thiết bị này thường bao gồm một ống lớn và kèm theo đó là các nhánh ống nhỏ có thể đặt vừa vào mũi của trẻ và kết nối với hệ thống cung cấp oxy.
Ở đây mình đề cập thêm cả về vấn đề suy hô hấp ở trẻ sinh non thiếu tháng. Khi trẻ bị suy hô hấp tức là phổi trẻ không đảm bảo được trao đổi khí như bình thường dẫn đến cơ thể bị thiếu oxy và không thải được CO2. Điều này khiến trẻ phải gắng sức thở, nhịp thở của trẻ sẽ nhanh hơn và phải huy động nhiều cơ hô hấp phụ nên có thể thấy trẻ có dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi thở. Khi trẻ gắng sức thở thì lượng khí lưu thông sẽ tăng lên để bù đắp lại sự thiếu hụt oxy. Tuy nhiên nếu trẻ gắng sức kéo dài sẽ gây mệt cơ hô hấp và có thể dẫn đến ngừng thở. 
Áp lực đường thở liên tục cao khi thở CPAP sẽ giữ cho các phế nang không bị xẹp. Khi những phế nang căng ra thì diện tích bên trong cũng rộng ra do vậy trao đổi khí trong phổi sẽ diễn ra nhiều hơn. Khi khả năng trao đổi khí trong phổi tốt lên thì trẻ cũng đỡ phải gắng sức thở do vậy sẽ đỡ bị kiệt sức và giảm khả năng suy hô hấp nặng lên gây ngừng thở. Ngoài ra hệ thống CPAP còn có thể điều chỉnh được nồng độ oxy trong không khí thở vào nên bác sĩ có thể tăng hoặc giảm lượng oxy cung cấp cho trẻ tùy thuộc vào mức độ suy hô hấp của trẻ

3. Thuốc men

Nhiều trẻ bị chứng ngưng thở được chỉ định dùng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch caffeine để kích thích thở. Giống như trong cà phê, một liều lượng caffein nhỏ sẽ giúp giữ cho trẻ tỉnh táo, hưng phấn và kích thích hô hấp. Hầu hết trẻ sẽ cai được caffeine trong giai đoạn ở phòng điều trị tích cực.

KIỂM SOÁT CƠN NGƯNG THỞ Ở TRẺ SINH NON

Trẻ sinh non sẽ được theo dõi liên tục hai chỉ số là nồng độ oxy trong máu và nhịp tim bằng một máy theo dõi (Monitor) Máy có chức năng báo động khi trẻ xuất hiện cơn ngưng thở tím tái và khi thiết bị này báo động, y tá sẽ ngay lập tức kiểm tra xem bé có dấu hiệu nguy hiểm nào không. Nếu trẻ không tự thở lại trong vòng 15 giây, y tá sẽ xoa lưng, cánh tay hoặc chân của em bé để kích thích thở trở lại. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ bắt đầu tự thở lại được bằng cách kích thích này. 
Tuy nhiên, nếu đã làm đủ các biện pháp trên mà trẻ vẫn không bắt đầu thở lại được và trở nên nhợt nhạt hoặc tím tái thì sẽ phải sử dụng túi oxy cầm tay hoặc mặt nạ oxy để xử lý tình huống. Y tá hoặc bác sĩ sẽ chụp một mặt nạ lên mặt trẻ và từ từ bơm một vài hơi vào phổi. Thông thường chỉ cần một vài nhịp là trẻ sẽ bắt đầu thở trở lại được.
AOP có thể xảy ra một hoặc nhiều lần trong ngày. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán rất cẩn thận để đảm bảo rằng cơn ngưng thở của trẻ không phải là do một nguyên nhân khác, ví dụ như nhiễm trùng.

THEO DÕI CƠN NGƯNG THỞ CHO TRẺ TẠI NHÀ BẰNG MONITOR

Mặc dù cơn ngưng thở tím tái ở trẻ sinh non đã giảm khi được xuất viện nhưng nhiều cháu vẫn tiếp tục xuất hiện các cơn ngưng thở khi đã về nhà .Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ ra viện nhưng phải có máy theo dõi cơn ngưng thở (monitor theo nõi nồng độ oxy trong máu và nhịp tim) cho trẻ khi về nhà.

Trước khi trẻ được ra viện, nhân viên phòng điều trị tích cực NICU sẽ kiểm tra kỹ lưỡng máy monitor
và hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, cũng như cách xử lý tình huống khi có báo động. Nếu con ngưng thở hoặc mặt chuyển xanh sao, tím tái, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ đã hướng dẫn trước đó (thường là búng vào lòng bàn chân cho bé hơi đau và khóc lên để kích thích thở lại) Nếu trẻ vẫn không thở lại được thì hãy làm thủ thuật hô hấp nhân tạo và đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Lưu ý đừng bao giờ day lắc cho bé tỉnh dậy.
Sẽ khá căng thẳng khi mới đón con về nhà và theo dõi cơn ngưng thở cho con. Nhưng bố mẹ sẽ quen dần với việc này và bớt lo lắng hơn, đặc biệt khi có sự hỗ trợ và đảm bảo của của máy theo dõi nồng độ SpO2 và nhịp tim. Bố mẹ có thể nói chuyện với bác sỹ, y tá cũng như liên lạc với các bố mẹ có con sinh non thiếu tháng khác đã trải qua giai đoạn tương tự để trao đổi và giải tỏa tâm lý.

CHĂM SÓC TRẺ SINH NON VỚI CHỨNG NGƯNG THỞ

Chứng ngưng thở ở trẻ sinh non thiếu tháng thường kéo dài đến khi trẻ được 44 tuần tuổi (tính từ thời điểm thụ thai cho đến khi sinh + với thời gian sau khi sinh ra) Trong một số trường hợp hiếm thấy thì chứng ngưng thở có thể còn dai dẳng thêm vài tuần nữa.
Mặc dù hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) có nguy cơ cao hơn đối với trẻ sinh non thiếu tháng nhưng người ta vẫn chưa chứng minh được mối liên hệ nào giữa AOP và SIDS. 
Ngoài chứng ngưng thở thì còn nhiều vấn đề sức khỏe ở trẻ sinh non có thể làm hạn chế và làm gián đoạn thời gian bố mẹ được ở bên con. Tuy nhiên, các bố mẹ có thể tranh thủ ngay thời gian khi con còn đang nằm ở phòng NICU. Bạn nên hỏi ý kiến các nhân viên, y tá xem cách tiếp xúc nào với con là tốt và an toàn nhất như ôm ấp, vuốt ve, cho bú hay chỉ đơn giản là nói chuyện nhẹ nhàng cùng bé.

Chứng ngưng thở tím tái là hiện tượng khó tránh khỏi đối với trẻ sinh non, nếu cơn ngưng thở kéo dài có thể gây hậu quả nghiêm trọng như suy hô hấp, ảnh hưởng đến não hoặc thậm chí là tử vong. Tuy nhiên bố mẹ cũng không nên quá lo lắng, chỉ cần theo dõi bé chặt chẽ để có biện pháp xử lý kịp thời khi cơn ngưng thở xảy ra.
Dịch và biên tập: Minh An
Nguồn: Kidshealth.org

💟CÁC BẠN CÓ THỂ THAM GIA GROUP FACEBOOK CHĂM SÓC TRẺ SINH NON LỚN NHẤT VIỆT NAM ĐỂ CÙNG CHIA SẺ, HỌC HỎI KINH NGHIỆM NHÉ 💟

👉https://www.facebook.com/groups/1334294659943188