24 tháng 5, 2016

LƯU Ý VẤN ĐỀ TINH HOÀN ẨN VÀ HẸP BAO QUY ĐẦU Ở BÉ TRAI SINH NON

TINH HOÀN ẨN - TINH HOÀN LẠC CHỖ VÀ HẸP BAO QUY ĐẦU Ở BÉ TRAI SINH NON

💟CÁC BẠN CÓ THỂ THAM GIA GROUP FACEBOOK CHĂM SÓC TRẺ SINH NON 53.000 THÀNH VIÊN ĐỂ CÙNG CHIA SẺ, HỌC HỎI KINH NGHIỆM NHÉ 💟

👉https://www.facebook.com/groups/1334294659943188

Với nhiều nguy cơ và vấn đề về sức khỏe, nuôi dạy trẻ sinh non luôn là một chặng đường dài thử thách bố mẹ và gia đình mà ở đó nhiều khi dù đã rất cẩn thận vẫn không tránh khỏi những bài học phải trả giá bằng chính sức khỏe của con. Ở bài trước mình đã đề cập đến các vấn đề thường gặp ở sinh non nói chung như viêm mũi họng cấp, viêm da, viêm kết mạc...Với bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ về hai nguy cơ với "cậu nhỏ" của bé trai sinh non đó là tinh hoàn ẩn hay còn gọi là tinh hoàn lạc chỗ và hẹp bao quy đầu, hai vấn đề này sẽ rất nghiêm trọng nếu bố mẹ không phát hiện và xử lý sớm cho con, để lại nhiều hệ lụy từ viêm tiết niệu cho đến nguy cơ vô sinh.

TINH HOÀN ẨN Ở BÉ TRAI SINH NON

Trong quá trình phát triển của thai nhi nam, lúc đầu tinh hoàn ở ổ bụng rồi di chuyển dần theo ống bẹn để xuống bìu. Tinh hoàn ẩn là hiện tượng tinh hoàn dừng lại khi đang di chuyển hoặc vẫn nằm nguyên trong ổ bụng của bé.
Đây là một số thống kê liên quan đến vấn đề tinh hoàn ẩn của trẻ:
- 30% bé trai sinh non có nguy cơ bị tinh hoàn ẩn
- Nguy cơ ung thư tinh hoàn cao gấp 20-40 lần so với tinh hoàn nằm ở bìu
- Bé bị tinh hoàn ẩn nếu được điều trị khi quá 15 tuổi thì tỉ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%; Điều trị từ 9-12 tuổi thì tỉ lệ là 30%; Từ 5-8 tuổi là 40%; Từ 2-3 tuổi là 50% và 1-2 tuổi là 90%. ( Nguyên nhân gây vô sinh do tinh hoàn nằm ở ổ bụng và ống bẹn có nhiệt độ nóng hơn ở bìu, gây khó khăn trong việc sinh tinh)
Vì sinh non nên nhà mình để ý rất kỹ đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe lâu dài. Lúc con được ba tháng tuổi siêu âm kiểm tra tinh hoàn và được bác sĩ kết luận tinh hoàn đã xuống. Thời gian dài sau đó nhiều lần đi khám, kiểm tra sức khỏe tại các bệnh viện mình luôn để ý nhắc các bác sĩ kiểm tra tinh hoàn cho con và đều nhận được kết luận là tinh hoàn đã xuống bìu.
Nhưng có một bài học lớn mình rút ra ở đây là bố mẹ phải là người thầy thuốc biết rõ con mình nhất. 
Khi con nằm mình sờ thấy tinh hoàn nhưng không ở ngay dưới bìu mà ở phía trên cao ở vùng bẹn. Khi đứng thì không sờ thấy, hai túi bìu nhỏ và xẹp. Thời gian dài gia đình tin kết luận của các bác sĩ nhưng mình vẫn thường xuyên tự kiểm tra và thấy không yên tâm, rồi đến khi con 2 tuổi mình quyết định đi khám chuyên khoa ngoại và yêu cầu siêu âm tinh hoàn.
Kết quả siêu âm tinh hoàn chưa xuống bìu và là dạng tinh hoàn lò xo, tức là lúc xuống bìu, lúc chạy lên ống bẹn chứ chưa cố định. 
Lo lắng, buồn là cảm xúc đầu tiên, nhưng rồi lại phải gạt sang một bên và tiếp tục hành trình cùng con, tự nhủ mình và con đã đi chặng đường rất dài và khó khăn hơn nhiều để có ngày hôm nay.
Bác sĩ chia sẻ rằng với trẻ từ 9-12 tháng tuổi trở lên thì gần như không có cơ hội tinh hoàn tiếp tục tự di chuyển xuống bìu nữa mà phải có sự can thiệp. Để xử lý có hai phương pháp là điều trị bằng tiêm nội tiết hoặc phẫu thuật. Tiêm nội tiết để kích thích tinh hoàn đi xuống, phương pháp này tỉ lệ thành công khoảng 40%-60% tùy tình trạng vị trí tinh hoàn của trẻ lúc đó. Nếu điều trị bằng tiêm nội tiết không thành công thì sẽ phải phẫu thuật cho con.
Trộm vía con mình sau đợt tiêm nội tiết thì tinh hoàn đã xuống và cố định ở bìu.
Qua đây mình thấy các gia đình có bé trai sinh non ngoài siêu âm kiểm tra tinh hoàn cho con lúc bé thì khi được 9-12 tháng tuổi nên siêu âm lại một lần nữa để chắc chắn, nhỡ có vấn đề thì điều trị sớm tránh nguy cơ vô sinh hay ung thư. Bác sĩ không phải lúc nào cũng chính xác và bố mẹ nên là người thầy thuốc gia đình cho con.
Ở Hà Nội các bạn có thể cho con khám GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, bác khám rất cẩn thận và tận tình. Về chuyên môn thì gia đình mình hoàn toàn tin tưởng.
Đây là clip minh họa trực quan về quá trình tinh hoàn di chuyển từ bụng xuống bìu ở trẻ, các bạn có thể xem nhanh từ 0:15s đến 1:45s.
https://www.youtube.com/watch?v=ICxUy0_NIcM

HẸP BAO QUY ĐẦU Ở BÉ TRAI

Đây là hiện tượng lớp da ở đầu dương vật bé không tự tụt xuống được khiến việc vệ sinh khó khăn, các cặn bẩn không trôi đi được bị tích tụ gây viêm nhiễm, nguy cơ viêm tiết niệu rất cao và có thể ảnh hưởng chức năng thận, sức khỏe sinh sản sau này của con.
Hep bao quy dau be trai

Dù đã được các cô y tá hướng dẫn hàng ngày lột nhẹ bao quy đầu vệ sinh và giúp lớp da quy đầu tụt dần xuống phía dưới nhưng cuối cùng bao quy đầu của con vẫn bị hẹp. Lúc bé gần một tuổi trong một lần vệ sinh cho con mình tình cờ thấy một hạt trắng như hạt cơm ở dưới lớp da quy đầu của con và đưa đi khám thì được kết luận là bợn sinh dục và chỉ cần vệ sinh.
Tre bi hep bao quy dau
Yên tâm đưa con về và sau vài ngày lột bao quy đầu xuống sâu hơn thì hạt bợn cũng đi. Một thời gian sau con lại xuất hiện một hạt khác và có dấu hiệu sốt nhẹ, ở nơi bỉm và đầu chim con tiếp xúc có vết hồng nhẹ hoặc da cam, tiểu ít. Vào đến viện bác sĩ kết luận viêm tiết niệu và đồng thời cho nong bao quy đầu. Khi quy đầu được lột xuống là một lớp bợn dầy đặc bao quanh, bẩn như vậy thì đúng là trẻ khó tránh khỏi bị viêm tiết niệu và thực sự phải là người có chuyên môn mới dám lột bao quy đầu của con mạnh đến như vậy.
Bố mẹ hàng ngày nên nong nhẹ bao quy đầu cho trẻ, có thể khi tắm hoặc vệ sinh cho con để phần da quy đầu được lột xuống dưới, mỗi ngày một chút, ngày hôm sau mạnh hơn và sâu hơn ngày hôm trước. Thời điểm thích hợp nhất là khi bé dưới một tuổi vì giai đoạn này da quy đầu các bé mỏng và đàn hồi cao. Nếu sau một thời gian mà da quy đầu của con chưa xuống được và có biểu hiện khó tiểu, tia nước tiểu yếu, bao quy đầu phồng lên khi tiểu, xuất hiện hạt bợn trắng, viêm nhiễm thì bố mẹ nên đưa đến bác sĩ để tư vấn và có thể phải làm thủ thuật nong bao quy đầu cho con.
Qua hai bài học mà phải trả giá bằng chính sức khỏe của con, mình mong muốn gửi gắm đến các gia đình có bé trai sinh non một nguồn thông tin tham khảo để biết và phòng tránh, không để lập lại tương tự như nhà mình.
Chúc bé và các bạn luôn mạnh khỏe!
Minh An
             💟CÁC BẠN CÓ THỂ THAM GIA GROUP FACEBOOK CHĂM SÓC TRẺ SINH NON LỚN NHẤT VIỆT NAM ĐỂ CÙNG CHIA SẺ, HỌC HỎI KINH NGHIỆM NHÉ 💟

👉https://www.facebook.com/groups/1334294659943188



         Lưu ý nếu đăng lại thì ghi rõ nguồn giúp mình. Chân thành cảm ơn!